Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai

Khi xuất hiện các dấu hiệu mang thai, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của mẹ đều cao hơn so với mức bình thường để phát triển một số cơ quan của cơ thể nhằm thích ứng với quá trình mang thai và nuôi dưỡng bào thai khỏe mạnh.

Tháng 4 15, 2022 - 14:28
Tháng 2 3, 2023 - 10:02
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai

Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, mẹ cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau:

1. Cân đối nhóm chất dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai cần đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu:

Chất bột đường (carbohydrate);
Chất đạm (protein);
Chất béo (lipid);
Các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.
Tuy nhiên, việc xây dựng thực đơn cân đối các nhóm chất rất quan trọng để tránh thiếu năng lượng gây suy dinh dưỡng bào thai hay thừa năng lượng khiến mẹ tăng cân quá mức. 

Trong thai kỳ, mẹ bầu tăng trung bình khoảng từ 9 – 12 kg, trong đó tam cá nguyệt thứ nhất nên tăng từ 300 gram đến 1 kg, sau đó mỗi tuần sẽ tăng khoảng 300 gram trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.

Giai đoạn thai kỳ Trọng lượng thai nhi Số cân mẹ bầu cần tăng Nhu cầu năng lượng và nhóm chất thiết yếu mỗi ngày cho phụ nữ mang thai
Năng lượng
(Kcal)
Chất bột đường
(g)
Chất đạm
(g)
Chất béo
(g)
Chất xơ
(g)
Trước mang thai 2050 290 – 360 60 45 – 57 25
3 tháng đầu 100g 0 – 1kg 2100 300 – 370 61 46.5 – 58.5 28
3 tháng giữa 1kg 4 – 5kg 2300 325 – 400 70 52.5 – 64.5 28
3 tháng cuối 2kg 5 – 6kg 2500 385 – 430 91 60 – 72 28
Tổng 9 tháng 9 – 12kg

Nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cho bà bầu theo từng giai đoạn – Nguồn: Nutrihome

Đối với những mẹ bầu mang song thai, chỉ số cân nặng cần tăng cao hơn và bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến cáo tốc độ tăng cân khác nhau. 

“Tăng quá nhiều hay quá ít cũng là vấn đề khiến nhiều mẹ bầu lo lắng nhưng thay vì tập trung vào cân nặng, mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm, sinh hoạt lành mạnh và giữ tinh thần ổn định, thư giãn” – PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng nhấn mạnh.

2. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất
Để thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh, việc đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ khoa học và lành mạnh vô cùng quan trọng, trong đó việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu là điều tiên quyết ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong suốt thai kỳ và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé. (1)

Acid Folic
Khi chuẩn bị mang thai hay vừa biết có thai, mẹ bầu cần bổ sung acid folic giúp phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung viên uống acid folic có thể kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ. Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày cần bổ sung những thực phẩm chứa nhiều acid folic như bông cải xanh, rau chân vịt, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc thô, quả bơ… 

Canxi
Canxi không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn giúp hệ thống tuần hoàn, cơ bắp và thần kinh của mẹ bầu và thai nhi hoạt động bình thường. Do đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung 1.200 miligam canxi mỗi ngày. Các thực phẩm giàu canxi gồm: sữa, bông cải xanh, cải xoăn, nước ép trái cây, ngũ cốc…

Vitamin D
Mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm như cá hồi, sữa, nước cam… để tăng cường vitamin D cho chính bản thân và hỗ trợ cho sự phát triển xương của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu mẹ thiếu vitamin D sẽ rất dễ dẫn đến tiền sản giật.

Protein
Protein cần thiết cho sự phát triển các mô và cơ quan của em bé, đặc biệt là bộ não; đồng thời hỗ trợ phát triển mô vú và tử cung của mẹ trong thai kỳ. Nó thậm chí còn đóng một vai trò quan trọng giúp tăng nguồn cung cấp máu cho thai nhi. Thịt nạc, thịt gia cầm, cá và trứng là những nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể lựa chọn các loại hạt, đậu, sản phẩm từ đậu nành để bổ sung protein trong suốt thai kỳ, đảm bảo cho sự phát triển khoẻ mạnh của con.     

Sắt
Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần cung cấp 1000 mg sắt/ngày để tăng lượng máu của mẹ, cung cấp đủ máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.

Ở Việt Nam, theo tổng điều tra dinh dưỡng 2009 – 2010, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 36,5%, cao nhất ở vùng núi phía Bắc và ven biển Nam Trung Bộ lên tới 56%, 71,8% thiếu máu ở phụ nữ có thai là do nguyên nhân thiếu sắt. Mẹ bầu nên bổ sung sắt qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, rau muống, củ dền… và uống thêm nước trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường hấp thu chất sắt. (2)

3. Chế độ vận động
Ngoài chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu, tập thể dục cũng là một phương thức quan trọng tăng cường sức khỏe cho mẹ trong quá trình mang thai, tuy nhiên cần chú ý về thời lượng tập và tránh các động tác quá mạnh. Theo nhiều nghiên cứu y khoa, tập thể dục giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh, chống lại các bệnh như cảm lạnh…; đồng thời “vượt cạn” nhẹ nhàng hơn và sinh con khỏe mạnh. Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đi bộ từ 15 đến 20 phút/ngày tùy vào tình trạng sức khỏe của mình.

-------------------
Vnkhoe.com - Tôi khoẻ, bạn khoẻ, Việt Nam khoẻ!
Kiến thức y tế nhiều hơn, sống khoẻ hơn.

Vnkhoe Vnkhoe.com - Kiến thức y tế nhiều hơn, sống khoẻ hơn.