Lây nhiễm SARS-CoV-2 qua không khí là nguy cơ lớn nhất
Trang digitaljournal.com ngày 1/5 cho biết theo một nghiên cứu kéo dài 2 năm của Đại học Michigan (Mỹ), lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua không khí là nguy cơ lớn hơn nhiều so với lây nhiễm do tiếp xúc trên bề mặt.
Nghiên cứu xem xét các không gian công cộng tại khuôn viên Ann Arbor của Đại học Michigan, bao gồm các lớp học, phòng tập, nhà ăn, xe buýt, phòng gym, tòa nhà hoạt động sinh viên cùng hệ thống thông gió và ống dẫn khí. Nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bề mặt được đánh giá là thấp hơn 1.000 lần so với lây nhiễm qua không khí. Phụ trách nghiên cứu, Giáo sư Chuanwu Xi nhận xét: "Trong những tuần mà mẫu không khí có virus thì tổng số ca mắc cao hơn hẳn so với những tuần mẫu không khí không có virus".
Các số liệu từ nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây nhiễm từ vật thể, vật liệu có khả năng mang virus thấp hơn nhiều so với đánh giá từ những nghiên cứu trước đây. Giáo sư Xi nhận định: "Xem xét các dịch tái phát do các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp gây ra trong những năm gần đây, nghiên cứu của chúng tôi củng cố sự phù hợp của việc tích hợp nhiều phương pháp giám sát môi trường để lập mô hình và đánh giá rủi ro".
Để thu thập dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy lấy mẫu, hút một lượng lớn không khí bằng cách sử dụng một máy bơm và bắt giữ bất kỳ hạt virus nào trong không khí. Đối với bề mặt, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ dụng cụ tăm bông. Trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 và tháng 4/2021, các nhà nghiên cứu đã thu thập 256 mẫu không khí và 517 mẫu bề mặt. Phân tích cho thấy tỷ lệ dương tính với virus lần lượt là 1,6% và 1,4%. Ngoài ra, xác suất lây nhiễm là khoảng 1/100 qua đường hô hấp nhưng tỷ lệ này chỉ ở mức 1/100.000 từ các bề mặt bị nhiễm virus.
Những kết quả này dựa trên các tình huống mô phỏng và được thực hiện trong thời gian phong tỏa tại một khuôn viên trường đại học. Không có mẫu nào được thu thập trong không gian có nhiều người tập trung và một số mẫu chỉ được thu thập khi có ít người. Do đó, việc ngoại suy mở rộng các kết quả cần được thực hiện một cách thận trọng. Tuy nhiên, có khả năng là sự khác biệt giữa tỷ lệ lây nhiễm qua không khí và qua bề mặt sẽ không thay đổi nhiều.
Các nhà nghiên cứu hy vọng dữ liệu sẽ nâng cao hiểu biết về các bệnh truyền nhiễm và các nỗ lực giảm thiểu trong một đại dịch trong tương lai, đặc biệt là việc chuẩn bị cho sự bùng phát các bệnh hô hấp có cơ chế lây nhiễm tương tự.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin tức
-------------------
Vnkhoe.com - Tôi khoẻ, bạn khoẻ, Việt Nam khoẻ!
Kiến thức y tế nhiều hơn, sống khoẻ hơn.